– Theo quy định tại Điều 28 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.
– Trong trường hợp hai bên kết kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
– Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và Gia đình và các quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.
– Thỏa thuận về chế độ tài sản phải đảm bảo lợi ích của vợ, chồng, cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng sẽ bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;
+ Vi phạm một trong các quy định tại Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và Gia đình;
+ Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mẹ, con và thành viên khác của gia đình. (Căn cứ theo quy định tại Điều 50 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, và Khoản 2 Điều 6 TTLT số 01/2016).
– Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần. (Căn cứ theo Khoản 1 Điều 6 TTLT số 01/2016)
→ Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.
→ Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.