Việc nhận con nuôi bên cạnh phải tuân thủ các điều kiện của người được nhận làm con nuôi thì còn phải tuân thủ các điều kiện của người nhận nuôi con nuôi.
Điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định điều kiện đối với Người nhận nuôi con nuôi phải có đủ các điều kiện này mới được nhận nuôi con nuôi, bao gồm:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ: nghĩa là đã đủ 18 tuổi trở lên, có khả năng tự mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự.
- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên: Nhằm đảm bảo được sự giáo dục và nuôi dạy con khôn lớn.
- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi: Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.
- Có tư cách đạo đức tốt: Nhằm định hướng giáo dục cho con nuôi.
Tuy nhiên, không phải ai cũng sẽ được nhận con nuôi. Những người sau đây không được nhận con nuôi:
- Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
- Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
- Đang chấp hành hình phạt tù;
- Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
Việc quy định như vậy nhằm bảo vệ cho sự phát triển tốt nhất của con nuôi, những đứa trẻ là mầm non tương lai của đất nước. Nên chính vì vậy người nhận nuôi đạo đức tốt thì những đứa trẻ mới tốt được.
Ngoài ra, trong trường hợp nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài thì theo Điều 29 Luật nuôi con nuôi 2010, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú và quy định tại Điều 14 của Luật này. Nghĩa là phải tuân thủ thêm điều kiện nhận con nuôi của nước nơi người nhận nuôi thường trú bên cạnh tuân thủ quy định tại Điều 14 của Luật nuôi con nuôi 2010.