Theo Điều 562 BLDS 2015 hợp đồng ủy quyền được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo Điều 55 Luật công chứng 2014 chỉ quy định các thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền khi người dân có yêu cầu công chứng chứ không quy định hợp đồng ủy quyền bắt buộc phải công chứng.
Như vậy BLDS 2015 và Luật công chứng 2014 không có quy định bắt buộc phải công chứng hợp đồng ủy quyền trừ một số trường hợp cụ thể pháp luật có quy định phải công chứng như:
+ Văn bản ủy quyền của vợ chồng cho nhau trong việc thỏa thuận mang thai hộ: Khoản 2 Điều 96 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
+ Thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân ủy quyền cho người đại diện cho hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. (Khoản 1 Điều 101 Bộ luật dân sự 2015)
+ Đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng dân sự, trừ trường hợp ly hôn (Điều 86 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)
Trường hợp các chủ thể thực hiện việc ủy quyền thông qua hình thức trình bày bằng lời nói tại Tòa án thì không được chấp nhận. Theo khoản 6 Điều 272 BLTTDS 2015 thì các trường hợp ủy quyền theo khoản 3,4,5 Điều này phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp. Trong trường hợp ủy quyền tại tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án tòa án phân công thì vẫn phải lập thành văn bản nhưng không cần phải công chứng, chứng thực. Như vậy theo pháp luật hiện hành việc ủy quyền thông qua hình thức trình bày bằng lời nói tại Tòa án không có căn cứ để chấp nhận.