Theo quy định tại Thông tư 47/2014/TT-BCT thì chỉ có những người thành lập các website thương mại điện tử phải đăng ký kinh doanh, những người bán hàng online đơn thuần trên các website này hoặc trên facebook không phải thực hiện thủ tục này. Tuy nhiên, người bán cũng phải tuân thủ các yêu cầu tại Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Cụ thể:
– Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ (giá cả, phương thức vận chuyển và giao nhận, phương thức thanh toán).
– Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin hàng hóa, dịch vụ
– Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
– Tuân thủ quy định về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
– Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Ngoài yêu cầu nêu trên, những người bán hàng online cần nắm được thông tin về những mặt hàng không được bán trên mạng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, nếu chỉ bán hàng trên Facebook hay bán hàng trên Shopee và các sàn khác như Tiki, Lazada, Sendo thì không cần phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh online. Các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập, điều hành các website thương mại điện tử, sàn giao dịch, cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (có thể hiểu là các website có trang bị giỏ hàng, thanh toán và thông tin giá bán sản phẩm) mới phải tiến hành thủ tục đăng ký website với Bộ Công thương. Việc này nhằm thực thi quản lý, đánh giá và tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong môi trường thương mại điện tử hiện nay.