Điều 128 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài như sau:
“1. Cơ quan đăng ký hộ tịch Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con mà không có tranh chấp giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
2. Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết việc xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 88, Điều 89, Điều 90, khoản 1, khoản 5 Điều 97, khoản 3, khoản 5 Điều 98 và Điều 99 của Luật này; các trường hợp khác có tranh chấp.”
Ta thấy rằng Luật chia làm hai trường hợp để xác định cơ quan nào có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài.
+ Đối với trường hợp không có tranh chấp:
Khoản 1 quy định rõ trường hợp xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài mà không có tranh chấp giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc không có tranh chấp giữa công dân Việt Nam với nhau nhưng ít nhất một bên định cư ở nước ngoài hoặc không có tranh chấp giữa những người nước ngoài với nhau nhưng ít nhất một bên thường trú ở Việt Nam theo quy định của pháp luật về hộ tịch thì sẽ được cơ quan đăng ký hộ tịch Việt Nam giải quyết, cụ thể ở đây là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.
+ Đối với trường hợp có tranh chấp:
Đối với trường hợp này, Tòa án Việt Nam mà cụ thể là Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết trong các trường hợp sau đây:
- Cha, mẹ không thừa nhận con;
- Xác định con trong trường hợp người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình hoặc người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình;
- Con nhận cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ đã chết;
- Bên mang thai hộ không giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ;
- Bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con;
- Giải quyết tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ trong trường hợp chưa giao đứa trẻ mà bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự;
- Các tranh chấp khác ngoài các tranh chấp trên.