Việc nhận con nuôi đang diễn ra rất phổ biến nhất là đối với những cặp vợ chồng không có con cái. Họ luôn tìm kiếm một người con để có thể nuôi dưỡng, chăm sóc và nương nhờ. Pháp luật có hạn chế về độ tuổi của người được nhận làm con nuôi hay không? Mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Trước tiên, chúng ta cần hiểu nuôi con nuôi là gì? Căn cứ theo Khoản 1 Điều 3 Luật nuôi con nuôi năm 2010 thì: "Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi". Thời điểm xác lập quan hệ cha, me và con là thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Vậy độ tuổi để được nhận làm con nuôi được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 8 Luật nuôi con nuôi 2010 có quy định về người được nhận làm con nuôi bao gồm các điều kiện sau:
“1. Trẻ em dưới 16 tuổi
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.”
Như vậy, pháp luật về nuôi con nuôi quy định rất cụ thể về độ tuổi được nhận làm con nuôi phải dưới 16 tuổi. Trường hợp từ 16 đến dưới 18 tuổi được nhận làm con nuôi trong những trường hợp nhất định là cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi. Theo quy định của luật dân sự thì người từ đủ 18 tuổi là người đã có đủ năng lực hành vi dân sự, có thể chịu trách nhiệm trước những việc làm của mình. Người dưới 16 tuổi chưa có đủ năng lực hành vi dân sự, việc thực hiện các giao dịch phải thực hiện qua người đại diện. Người dưới 16 tuổi cần sự chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt hơn. Như vậy theo quy định thì người trên 18 tuổi không thể được nhận làm con nuôi.