Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện là nơi có thẩm quyền giải quyết thủ tục ly hôn cấp sơ thẩm.
* Đối với trường hợp thuận tình ly hôn
- Nếu hai vợ chồng thuận tình ly hôn thì có thể thỏa thuận đến Tòa án cấp huyện nơi cư trú của vợ hoặc của chồng để làm thủ tục. Lúc này, cả hai vợ chồng cùng ký tên vào Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và nộp cho Tòa án (nộp kèm theo tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu là có căn cứ và hợp pháp).
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu.
- Trường hợp đơn yêu cầu chưa ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 362 của Bộ luật này thì Thẩm phán yêu cầu người yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
* Đối với trường hợp đơn phương ly hôn
- Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định Tòa án cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Do đó, trong trường hợp đơn phương ly hôn, Tòa án nơi có thẩm quyền giải quyết sẽ là nơi bị đơn cư trú, làm việc. Lúc này, người khởi kiện ly hôn sẽ viết/soạn đơn khởi kiện ly hôn và ký tên vào đơn khởi kiện và nộp cho Tòa án cấp huyện nơi người kia cư trú hoặc làm việc. Cùng với việc nộp đơn khởi kiện ly hôn thì người khởi kiện phải nộp kèm theo các tài, liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án sẽ phân công Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Lưu ý: Hiện nay, theo quy định của khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, vợ, chồng không được ủy quyền ly hôn tức không được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng mà chỉ được ủy quyền nộp đơn đơn khởi kiện/đơn yêu cầu, nộp án phí, bản tự khai, các loại đơn khác (nếu có),… Thay vào đó, nếu không thể tham gia tố tụng thì vợ, chồng có thể gửi đơn đề nghị xét xử vắng mặt đến Tòa án, để Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.